Nhà thờ làng Diêm Trường, Miếu và Lăng mộ ông, bà Trà Quận công (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc).

Nhà thờ làng Diêm Trường là nơi thờ tự các bậc hiền tiền khai canh, khai khẩn và các họ tộc nối tiếp có công khai phá lập làng. Theo các cụ cao niên hiện sinh sống tại làng Diêm Trường, nhà thờ làng Diêm Trường được xây dựng cách đây hơn 400 năm, cùng với quá trình thành lập làng Diêm Trường. Trải qua thời gian tồn tại với những biến cố của lịch sử, nhà thờ làng đã được nhiều lần trùng tu và lần gần đây nhất là năm 2001. Về kiến trúc nhà thờ làng Diêm Trường qua các lần trùng tu đã có sự thay đổi so với lúc mới xây dựng, tuy nhiên vẫn giữ được nét cổ kính, gồm 3 gian hai chái, kết cấu kèo cột được làm bằng gỗ chạm khắc tinh xảo. Bên trong được thiết 3 án thờ; ở gian chính giữa thờ các họ Bùi, Trần, La là 3 họ lớn được triều đình nhà Nguyễn sắc phong có công khai canh lập làng, hai bên tả hữu thờ chư vị khai khẩn và chư tộc bổn phái của 52 họ.
 
Hiện nay, tại nhà thờ làng Diêm Trường còn lưu giữ nhiều sắc, chiếu, chỉ... có từ thời Tây Sơn và thời các vua Nguyễn. Trong đó, có sắc phong cho các họ La, Bùi có từ thời Duy Tân và đặc biệt là Sắc hợp phong khai canh dưới thời Khải Định vào năm thứ 9 cho cả 3 họ Bùi, Trần, La là những họ tộc đã có công khai canh lập làng.
 
Miếu bà Trà: Nguyên trước đây là một am nhỏ, được xây dựng dưới thời các vua Nguyễn, tọa lạc về phía đông, bên ngoài khu dân cư, sát cánh đồng ruộng ở thôn Trung Chánh, thuộc địa bàn làng Phụng Chánh hiện nay. Cách địa điểm Đình Đôi của hai làng Diêm - Phụng khoảng 150m. Do tình trạng am Bà Trà xuống cấp nghiêm trọng, nên từ năm 1963 dân làng cung thỉnh Bà về và thiết lập am nhỏ phía trước nhà thờ làng gọi là Diêm Từ đường.
 
Năm 2019, bằng tấm lòng thành kính và tri ân về những công lao to lớn của ông, bà Trà, đặc biệt là Trà Quận Công phu nhân nữ Khai Quốc công thần, dân làng Diêm Trường đã đóng góp xây dựng thành ngôi Miếu bề thế hơn để thờ Trà Phu nhân và các liệt vị gọi là Võ liệt miếu.
 
Lăng mộ ông, bà Trà Quận công nằm xa nhau khoảng 100m, trên đất làng Phụng Chánh, xây dựng theo hình lục giác. Hiện nay vẫn còn lưu giữ hai tấm bia cổ xưa mang phong cách thời Nguyễn, nổi bật với các họa tiết trang trí hình long, phụng trên trán bia. 
 
Miếu và lăng mộ ông bà Trà Quận công là những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa thể hiện sự tri ân của hậu thế hôm nay đối với tiền nhân trong tiến trình lịch sử, đã có công trong việc khai phá, mở mang và giữ gìn bờ cõi. Đồng thời, phản ánh về những biến động lịch sử ở vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân vào thế kỷ XVI, đặc biệt là cuộc chiến ở Đàng Trong và Đàng Ngoài giữa hai thế lực Trịnh - Nguyễn.
 
Những công lao to lớn của ông, bà Trà phản ánh về một giai đoạn lịch sử trong bối cảnh buổi đầu chúa Nguyễn Hoàng vào gây dựng cơ nghiệp ở Đàng Trong, được sự giúp sức của nhiều hiền tài nhân sĩ, trong đó có Trà Quận công và Trà phu nhân.